Post by Hồn Nước on Jun 11, 2014 15:53:11 GMT -5
Lược Sử và Ý Nghĩa
Kỷ Niệm Ngày Tang Yên Báy
(17/6/1930 – 17/6/2014)
Khởi Diễn Trang Sử Kiêu Hùng
Năm 1930, ngày 17 tháng 6, một biến cố lịch sử trọng đại đã diễn ra vào lúc rạng sáng, tại một vùng rừng núi thân yêu của tổ quốc: Mười ba đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng phải ra pháp trường Yên Báy đền nợ nước. Trước khi bước lên máy chém, các nhà cách mạng, ai nấy đều biểu hiện ý chí yêu nước và nguyện vọng phục vụ dân tộc với khí thế hào hùng, dõng dạc hô to, “Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam.”[1]
Cuộc hành quyết bắt đầu lúc 5 giờ kém 5 và chấm dứt lúc 5 giờ 35 phút sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930. Thi hài mười ba liệt sĩ được chôn chung vào một huyệt mộ dưới chân đồi Cao, bên cạnh đồi là đền thờ Lý Trần Quán, cách ga xe lửa Yên Báy chừng một cây số.[2] Ngưỡng mộ lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả của các anh hùng dân tộc, hằng năm, đến ngày 17 tháng 6, người Việt khắp nơi trên thế giới, đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này. Ngày 17 tháng 6 là ngày đau thương nhất và cũng là ngày vinh quang nhất, không những của Việt Nam Quốc Dân Đảng, mà còn của cả dân tộc.
VNQDĐ Đánh Pháp, Xây Dựng Dân Chủ
Nhằm cạnh tranh với các cường quốc để tìm kiếm thị trường và tài nguyên thiên nhiên ở ngoài nước, năm 1858, Pháp xâm chiếm nước ta[3] và dựng lên một bộ máy cai trị hà khắc, đối xử với dân ta vô cùng tàn nhẫn. Không chịu đựng được nỗi nhục mất nước và cảnh khốn khổ bị áp bức và bóc lột, toàn dân quật cường vùng lên chống lại chúng bằng các phong trào văn hóa, chính trị ái quốc, và các cuộc võ trang nỗi dậy.
Tiếp nối truyền thống ái quốc hào hùng ấy, Việt Nam Quốc Dân Đảng, thành lập năm 1927,[4] dùng bạo lực, thực hiện Tổng Khởi Nghĩa năm 1930 [5] tấn công thực dân Pháp nhằm thiết lập một chế độ dân chủ, đem lại tự do, và mưu tìm hạnh phúc cho nhân dân. Tổng Khởi Nghĩa đạt được nhiều chiến thắng, nhưng không nắm được chính quyền, bị Pháp trả thù vô cùng tàn bạo. Hằng trăm chiến sĩ VNQDĐ tử trận, hàng ngàn cán bộ và đảng viên bị bắt cầm tù, lưu đày, và tử hình, tiêu biểu nhất và được thế giới chú ý đến nhiều nhất là vụ xử chém mười ba chiến sĩ VNQDĐ.
Pháp Xử Chém Các Nhà Cách Mạng
Ngay từ chiều ngày 16 tháng 6, mười ba chiến sĩ VNQDĐ được bí mật chuyển từ khám đường Hà nội về ngục thất Yên Báy trong một chuyến xe lửa đặc biệt.[6] Trước khi rời khám đường, mười một đồng chí được gọi tên, ai nấy đều bình tĩnh bắt tay và nói lời từ biệt nhằm khích lệ các đồng chí còn ở lại; Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính bị giam ở phòng riêng không bắt tay từ giã anh em được; ở ngoài, Phó Đức Chính cố nói lớn vọng vào phòng, “Chúng nó đem anh em ta đi chém đây,” và Nguyễn Thái Học dặn dò,
Chúng tôi đi trả nợ nước đây, các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé. Cờ Độc Lập phải nhuộm bằng máu. Hoa Tự Do phải tưới bằng máu. Tổ Quốc còn cần sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa. Rồi thế nào cách mạng cũng thành công. Thôi kính chào anh em ở lại.[7]
Tại Yên Báy, vào lúc 5 giờ kém 5 ngày 17-6-1930, mười ba chiến sĩ được đưa từ ngục thất đến pháp trường, rồi lần lượt lên máy chém. Các chiến sĩ VNQDĐ còn rất trẻ; chiến sĩ Nguyễn Như Liên chỉ mới 20 tuổi, Phó Đức Chính đòi nằm ngữa để xem lưỡi đao rơi xuống. Trước giờ vĩnh biệt, các chiến sĩ dõng dạc hô to “Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam,” có người chưa hô trọn vẹn. Từ đấy, lịch sử đất nước trang trọng ghi thêm tên 13 anh hùng của dân tộc:
Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Phó Đức Chính, và người cuối cùng Nguyễn Thái Học.[8]
Hy Sinh Lớn Lao Khác Của Việt Quốc
Ngày 17 tháng 6 là ngày quốc tang. Sự hy sinh cao cả của mười ba chiến sĩ VNQDĐ là một mất mát lớn, không chỉ riêng cho Đảng mà là chung cho cả dân tộc. Ngày 17 tháng 6, 1930 là nguồn xúc cảm mạnh mẽ khơi dậy lòng căm thù đối với chủ nghĩa thực dân xâm lược, là biểu tượng ý chí quật cường hun đúc nhiều thế hệ kế tiếp trong công cuộc bảo vệ độc lập quốc gia và xây dựng tự do dân tộc.
Kỷ niệm Ngày Tang Yên Báy, mọi người thường nhắc đến pháp trường Yên Báy và mười ba liệt sĩ; nhưng Yên Báy chỉ là tiêu biểu, mười ba liệt sĩ cũng chỉ là tiêu biểu. Những hy sinh của VNQDĐ cho Tổ Quốc còn ở một phạm vi rộng lớn hơn. Trong lễ tưởng niệm hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến các liêt sĩ và các hy sinh bi hùng khác cho dù chúng ta biết vẫn chưa đầy đủ.
Cuộc Tổng Khởi Nghĩa đã diễn ra nhiều nơi ngoài Yên Báy như Hưng Hóa, Lâm Thao, Sơn Tây, Hà Nội, Đáp Cầu, Phả Lại, Phụ Dực, Vĩnh Bảo. Ngoài pháp trường Yên Báy, còn có pháp trường Hải Dương, Kiến An, Phú Thọ, và Hà Nội. Tại Yên Báy, ngoài mười ba đảng viên bị chém ngày 17 tháng 6 tại pháp trường, còn nhiều đảng viên khác hy sinh tại các nơi khác. Ngay sau ngày khởi nghĩa, thực dân đem Cai Nguyên và Cai Tính ra bắn không cần xét xử; [9] ngày 8 tháng 3, 1930, chúng đem chém bốn chiến sĩ Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết, và Ngô Hải Hoằng.[10]
Tại Phú Thọ, Nguyễn Văn Toại tức Đồ Thúy, Trần Văn Hợp, Phạm Nhận, Lê Xuân Huy, Bùi Xuân Mai bị chém ngày 22-11-1930.[11]
Tại Hà Nội, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con, Lương Ngọc Tốn tức Chánh Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Văn Khuê bị chém cuối năm 1930 và Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân bị chém ngày 23 tháng 6, 1931, cùng ngày với các chiến sĩ Tỉnh Bộ Hải Dương.[12]
Tại Tỉnh lỵ Hải Dương, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo, Trần Nhật Đồng, Nguyễn Văn Phúc bị chém ngày 23 tháng 6, 1931.[13]
Tại Hải Phòng, Ủy Viên Tổng Bộ Phạm Văn Tình và Chủ Tịch Thành Bộ Hải Phòng Nguyễn Chí Chử bị chém trước cổng ngục thất Hải Phòng đầu mùa xuân 1931.
Việt Quốc, Tù Đày Và Gian Khổ
Bao nhiêu chiến sĩ khác, vì quá gian khổ đói khát trong cảnh tù đày ở Côn Đảo và Guyan, một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ muôn trùng xa cách, kẻ uất ức tự sát như Nguyễn Văn Phú tức giáo Phú, Nguyễn Văn Liên, Sư Trạch…, người kiệt sức bỏ mình như Nguyễn Văn Hoạt, Nguyễn Đình Hiếu, Nguyễn Văn Duyên tức giáo Duyên, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Mô, Mai Duy Xứng, Nguyễn Văn Ất…[14] Nhưng đây cũng chỉ là một số rất nhỏ mà hơn 30 năm sau, đồng chí Hoàng Văn Đào nghiên cứu và sưu tầm được trong những điều kiện địa lý cách trở, thông tin thiếu thốn.
Tại các địa phương, nhiều trường hợp hy sinh âm thầm nhưng rất anh dũng cũng không sao kể hết. Lãnh tụ Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy tấn công Hưng Hóa, Phú Thọ không thành công, dùng lựu đạn tự sát lòi ruột nhưng không chết, nhảy xuống sông tự vận bị vớt lên, phải đập đầu vào đá trong lô cốt đồn binh Hưng Hóa ba lần mới chấm dứt được sự sống.[15] Chi bộ trưởng Tú Tài Nguyễn Đức Triệu 84 tuổi, sau ngày Tổng Khởi Nghĩa, bị tên Việt gian Vi Văn Định dùng chày giã gạo tra khảo đến chết ở Phụ Dực. Cán bộ Nguyễn Văn Viên, không lâu trước ngày khởi nghĩa và sau vụ ám sát Bazin, bị bắt, đã xé áo sơ-mi xoắn lại làm dây thắt cổ tự vận để bảo toàn bí mật Đảng.
Giới phụ nữ phục vụ Tổ Quốc theo lý tưởng Đảng, một số lớn đã hy sinh oanh liệt, nhưng hầu hết trong âm thầm. Nguyễn Thị Giang, ý trung nhân của Nguyễn Thái Học, không tọai nguyện trong kế hoạch phá pháp trường để giải cứu các đồng chí bị hành hình ngày 17 tháng 6, 1930, về quê lạy tạ song thân cố Đảng Trưởng rồi bắn vào đầu tự vận.[16] Đỗ Thị Tâm tức Phạm Thị Hào bị bắt tại cơ quan bảo vệ tổ chức VNQDĐ cải tổ tại Hà nội bị lột trần tra điện cực hình vẫn giữ vũng lời thề và dùng giải yếm lụa nhét vào cuống họng để kết liễu đời mình. Lê Thị Thành, phụ tá của lãnh tụ Lê Hữu Cảnh, bị mật thám cùm hai chân, khóa hai tay, cưỡi xe đạp ngang trên bụng, vẫn chịu đựng không tiết lộ bí mật Đảng. Nữ đồng chí Nguyễn Thị Vân, chưa đến tuổi thành niên, ngạo nghễ khai gia nhập Đảng để học bắn súng, học chế bom giết thực dân.[17]
Hoàng Văn Đào, tác giả “Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại,” ghi nhận rằng tổng số chiến sĩ cán bộ VNQDĐ trực tiếp liên quan đến Tổng Khởi Nghĩa bị chém và bị bắn công khai là 39 người, ngoài hàng trăm chiến sĩ khác tuẩn quốc mà tên tuổi không ghi nhận được. Theo tác giả “Việt Sử Tân Biên” Phạm Văn Sơn, “năm 1930, ở Bắc kỳ có 7, 439 người bị án tù, trong đó 439 án đại hình, và hai năm 1930, 1931 có 82 án tử hình.”
Việt Quốc, Với Tàn Sát Của Cọng Sản
Sự hy sinh của VNQDĐ không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian trước và sau Tổng Khởi Nghĩa mà còn trải dài hơn nửa thế kỷ từ ngày thành lập Đảng. Thời kỳ Việt Minh cướp và nắm chính quyền năm 1945 và 1946, đặc biệt sau ngày 19 tháng 12, 1946, VNQDĐ trong thế lưỡng đầu thọ địch, trước mặt chống Pháp sau lưng chống Cọng. Các đồng chí của chúng ta vì nhiệt tình yêu nước, bị lừa gạt, bị phản bội, sa cơ thất thế, bị hành hạ đến chết trong tù, bị thủ tiêu hay chôn sống, ngay cả bị cọng sản vu khống hạ nhục mà điển hình là ngụy tạo Vụ Ôn Như Hầu[18] ở Hà Nội và Vụ Cầu Chiêm Sơn[19] ở Quảng Nam, qua đó, Cọng sản sử dụng thủ đoạn “di thi giá họa,” lấy xác chết đem chôn tại trụ sở Đảng rồi vu cáo VQ giết người cướp của và cho người mở ốc đường “rây,” khai láo “phá cầu Chiêm Sơncướp khí giới đoàn tàu chở quân đi Nam Bộ” như là cớ để triệt hạ hoạt động VQ. Dưới đây lả một số trường hợp được ghi nhận.
Đồng chí Nguyễn Thế Nghiệp, sáng lập viên VNQDĐ, trước Tổng Khởi Nghĩa bị kết tội 10 năm cấm cố lưu đày, trốn sang Tàu hoạt động, bị Pháp bắt tại Thượng Hải năm 1934, năm 1936 được trả tự do, về nước tiếp tục hoạt động. Đầu tháng 9, 1945, đồng chí bị cọng sản bắt và thủ tiêu tại làng Chèm[20] cách Hà Nội 10 cây số cùng với đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, một thành viên Nam Đồng Thư Xã từng được Tổng Bộ cử làm trưởng phái đoàn đi Thái Lan vận động thống nhất các lực lượng cách mạng.
Đồng chí Lê Khang tức Lê Ninh, anh ruột đồng chí Lê Hưng, gia nhập VNQDĐ từ năm 1933 ở bên Tàu, một trong những cán bộ xuất sắc của Đảng, tác giả bài Đảng ca “Dâng Cờ Sao Trắng,” bị cọng sản thủ tiêu cùng với bí thư Đệ Thất Khu Phan Cách Nam và mười một đồng chí khác gần lao xá Phú Thọ vào đầu năm 1947.
Tiên liệt Nguyễn Huy Thọ, một trong những người chỉ huy đánh đồn binh Kiến An năm 1930, bị Pháp phát lưu đi Côn Đảo đến năm 1945 mới được tự do và liền đó đảm nhiệm chức vụ Bí Thư Tỉnh Bộ Hưng Yên bị cọng sản chôn sống ngày 28 tháng 12, 1946.
Đồng chí Vũ Văn Phẩm, một yếu nhân trong VNQDĐ hải ngoại, hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc, năm 1945 về làm Tư lệnh chiến khu Hà Giang, bị thủ tiêu rồi thả xác trôi sông Lô giang ngày 21 tháng 10, 1945.
Các Đồng chí Phạm Văn Hể, Phạm Văn Lân, Nguyễn Đăng Đóa tham gia Tổng Khởi Nghĩa, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo, cũng bị bắt và thủ tiêu vào đầu năm 1946 cùng với đồng chí Khái Hưng.
Đồng chí Nhượng Tống, sáng lập viên Nam Đồng Thư Xã, bị Cọng sản ám sát ngày 20 tháng 8, 1949. Đồng chí Nguyễn Văn Phác tức giáo Phác liên quan trong vụ ám sát Bazin, bị Pháp kết án hai năm tù, bị cọng sản chôn sống vào cuối năm 1945.
Đồng chí Phùng Đặng Đống gia nhập VNQDĐ năm 1928 đến năm 1945 lãnh đạo Tỉnh Đảng Bộ Sơn Tây, sa cơ thất thế, cắn lưỡi tự tử trên giường bệnh.
Đồng chí Đặng Đình Điển, người được Tổng Bộ đầu tiên cử vào Huế vấn an cụ Phan Bội Châu và tặng cụ danh hiệu “Danh Dự Chủ Tịch Đảng,” bị cọng sản bắt giam, đã tuyệt thực quyên sinh vào cuối năm 1952, lúc 84 tuổi.
Trong giai đoạn các khu chiến rút lui vì bị Pháp tấn công mạnh, các chiến sĩ VNQDĐ rơi vào tay Cọng sản đều bị thủ tiêu và bị chôn sống. Sau ngày 19 tháng 12, 1946, Cọng sản mời Đệ Tứ Khu hợp tác chống Pháp, nhưng khi 300 chiến sĩ đến Hoàng Xá, Hưng Yên, thì bị chúng âm mưu thủ tiêu.[21] Tại Lộc Bình, Lạng Sơn, Đệ I Chiến Khu, 50 người già yếu, bệnh tật, đàn bà, trẻ con không di tản được, xin trở về nguyên quán, bị bắt và đem ra giếng khơi chôn sống vào một đêm cuối tháng 9, 1946.[22]
Tại miền Trung thuộc Đệ Thất Khu, Cọng sản bắt các đồng chí chúng ta giam chật các nhà lao, cảnh lao tù Cọng Sản vô cùng khốn khổ, chết chóc không kể xiết. Năm 1947, tại trại tù Trà Linh, Quảng Nam, chiến sĩ Việt Quốc chết rất nhiều, phải chôn “đầu lộn với chân”[23] mới đủ đất, một lối “mai táng” bổ báng thánh thần, làm sỉ nhục tục lệ văn hóa dân tộc dành cho người đã chết.
Một số đồng chí khác bị thủ tiêu như Võ Tài, Bí Thư Đệ Thất Khu, Trương Phước Tường, Bí Thư Tỉnh Bộ Quảng Nam, Lê Thận, Võ Tụng, Nguyễn Thứ, Nguyễn Hoành, Phạm Tuệ, mất tích ở Hà Nội, Hà Cư, Phan Cáp, Đỗ Qúy Thích, Phan Đại, Nguyễn Thanh Đăng, Châu Đình Thám, Phạm Phú Kỳ, Nguyễn Tích… Năm 1953, hai đồng chí Nguyễn Long và Bùi Ân bị xử bắn.[24]
Tóm lại, nể sợ uy danh của cuộc khởi nghĩa 10 tháng 2, 1930 và sức mạnh tinh thần hy sinh can trường của VNQDĐ, Cọng Sản Việt Nam đành phải công nhận vai trò của VNQDĐ trong cuộc khởi nghĩa và tấm gương cực kỳ hào hùng của các liệt sĩ Yên Báy. Nhưng, họ vẫn tuyên truyền các luận điệu bêu xấu VNQDĐ sau thời kỳ 1930 và thẳng tay tàn sát cán bộ và đảng viên VNQDĐ từ năm 1945. Để lấp liếm hành vi hèn hạ này, chính quyền Hà Nội đã cho dựng đài tưởng niệm Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ VNQDĐ tại Yên Báy và gần đây tổ chức hội thảo về cuộc đời cách mạng của lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Khắc Nhu! Cần phải cảnh giác với hành vi giả nhân giả nghĩa này.
Dưới thời Đệ Nhất Cọng Hòa, độc lập và hạnh phúc của dân tộc có điều kiện để củng cố và phát triển nhưng tự do dân chủ bị thử thách bởi một tham vọng độc tài khác, Đảng tiếp tục tranh đấu, bị đàn áp, và lại tiếp tục hy sinh. Lãnh tụ Nguyễn Tường Tam quyên sinh. Hầu hết các lãnh tụ, các cán bộ cao cấp và trung cấp đều bị cầm tù, một số người bị đày đi Côn Đảo. Vô số đảng viên cơ sở của ta phải âm thầm chịu đựng trăm điều áp bức.
Trọng vụ tàn sát Tết Mậu Thân 1968, riêng tại Thừa Thiên và Huế, Cọng sản đã thủ tiêu rất nhiều đảng viên VNQDĐ trong đó có Đồng chí Lê Ngọc Kỳ, cựu bí thư Tỉnh bộ Thừa Thiên và đồng chí Phan Đức Minh, cựu sinh viên trường Lục Quân Hoàng Phố.
Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, gần như toàn Đảng chịu chung số phận với một nửa dân tộc dưới chế độ độc tài toàn trị Cọng sản. Hàng vạn đảng viên Việt Quốc phải vào các trại tù ác nghiệt nổi tiếng trên khắp các miền đất nước. Các lãnh tụ sống còn qua các thời kỳ tranh đấu chống thực dân, chống độc tài đã bỏ mình trong nhà tù hoặc cho về chết tại gia vì không chịu đựng nổi điều kiện khắc nghiệt và lối đối xử tàn bạo của chế độ giam cầm: Lãnh tụ Trần Văn Tuyên, Lê Ngọc Chấn, Vũ Hồng Khanh, – chỉ huy mặt trận Kiến An trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa năm 1930 – và Vũ Huy Chân – đảng viên duy nhứt còn lại của Đệ Nhứt Chi Bộ tức Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã.
Cán bộ và đảng viên hy sinh nhiều không kể hết. Riêng tại Quảng Nam, Quảng Tín, và Đà Nẵng có đến bốn Bí Thư Tỉnh Bộ, cả cựu và đương kim, chết trong tù hoặc chỉ cho về nhà để chết sau khi tử bịnh. Rất đông đảo cán bộ, đảng viên cơ sở ở những vùng thôn quê hẻo lánh, vốn thường xuyên chịu thiếu thốn cực khổ trong đời sống và chịu hiểm nguy thường trực trong chiến đấu chống kẻ thù ngày đêm bám sát, khi sa cơ họ không có điều kiện cũng như phương tiện lánh thoát, đành bó tay hứng chịu những hận thù hèn hạ và độc ác của cọng sản.
Vì Đảng, vì Tổ Quốc, các đồng chí ấy sống trong âm thầm, chết trong cô đơn, mấy ai trong họ được Đảng sử nhắc đến trừ một số trường hợp may mắn như vài trường hợp sau đây được ghi nhận ở Quảng Nam và Quảng Tín. Một đồng chí cán bộ xã, vài ngày sau 29 thảng 3, 1975, quyết chết chứ không chịu nhục, bảo vợ nấu mấy tô mì để cùng gia đình dùng một bữa cuối trước khi uống độc dược vĩnh biệt vợ con. Một đồng chí cán bộ xã khác, khi cọng sản đến, không có điều kiện tránh né trong những ngày đầu, đành ở lại quê vả bị thủ tiêu, xác ném vào lùm cây bên đường đến sình thối mới có người phát hiện.
Trường hợp hy sinh bi thảm nhưng oai hùng như thế còn nhiều, nhiều lắm; danh sách của các anh hùng liệt nữ của VNQDĐ còn dài, dài lắm. Trong phạm vi buỗi lễ tưởng niệm hôm nay, chúng ta chỉ có thể nêu lên một số trường hợp và tên tuổi đặc biệt tiêu biểu, mong rằng khi có điều kiện, chúng ta tìm hiểu thêm để lập một danh sách đầy đủ và ghi vào Đảng sử.
Suy Nghĩ Về Ngày Tang Yên Báy
Kỷ niệm ngày 17 tháng 6, chúng ta tưởng nhớ đến các tiên liệt tức là tưởng nhớ những hy sinh của Đảng vì Tổ Quốc. Mất đi mạng sống là hy sinh cao cả nhất, nhưng chịu đựng những đau khổ về tinh thần và thể xác ở trong tù hoặc những nơi bị đày ải, chịu đựng những đau khổ tinh thần hoặc thiệt thòi vật chất vì thiếu vắng người thân, chịu đựng những trù ếm lâu dài của cường quyền áp bức, cũng là những hy sinh không phải là nhỏ.
Khác với các tổ chức khác, trong hai phần ba thế kỳ vừa qua, đảng viên VNQDĐ có mặt hầu hết ở các nhà tù của cả ba thời kỳ Pháp thuộc, Cọng sản, và Đệ Nhất Cọng Hòa. Bất kỳ thời kỳ nào, đảng viên VNQDĐ cũng bị liệt vào thành phần nguy hiểm nhất và bị đối xử nghiệt ngã tàn tệ nhất. Hầu hết những đảng viên bị ở tù hoặc hy sinh đều bị tán gia bại sản; cha mẹ, vợ con sống trong cảnh lầm than. Bao nhiêu gia đình đã tan nát tàn lụi rồi; bao nhiêu gia đình nay còn lại, sống tủi nhục khốn khổ.
Tưởng niệm những anh hùng liệt nữ của Đảng hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, chúng ta cần kiểm điểm xem chúng ta làm được gì xứng đáng là những người nối gót tiền nhân. Như đã biết, những hy sinh to lớn cũng như những đau khổ tột cùng của các anh hùng liệt nữ tiền bối chỉ nhằm mục đích cao cả với ước vọng thiết tha mưu tìm độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Nhưng, hơn tám mươi năm trôi qua, mục đích ấy đến nay chưa đạt và ước vọng ấy vẫn còn xa vời.
Bao nhiêu cơ hội đã đến đều vuột khỏi tầm tay của Đảng; biến cố năm 1945 và 1954, cờ độc lập đã để rơi vào tay những người Cọng sản cuồng tín tôn sùng chủ nghĩa ngoại lai. Năm 1945, Việt Minh Cọng sản, che dấu dưới bộ mặt “ái quốc” của người “quốc gia” theo chỉ thị mật của Đệ Tam Quốc Tế, sử dụng thủ đoạn đoạt chính quyền do công lao gầy dựng của tầng lớp quần chúng Việt Nam Quốc Dân Đảng về tay Đông Dương CọngSản Đảng.[25] Năm 1954, Hồ Chí Minh và Nga bí mật thỏa thuận với phái đoàn Pháp sau khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ để cai trị Miền Bắc Việt Nam. Hậu quả, với sự cuồng tín này, Cọng sản Việt Nam chấp nhận Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, cắt biên giới phía bắc, nhượng biển Đông…Nền độc lập dân tộc không còn nữa, hoa tự do đang héo hon dưới một chế độ độc tài toàn trị mù quáng bám lấy quyền hành, và thứ hạnh phúc cọng sản hô hàođem lại cho nhân dân, không những chỉ là ảo vọng mà toàn là những thực tế xã hội càng ngày càng bi đát, chua cay.
Hiện tại chính trường quốc tế và quốc nội đang sôi động, nhưng VNQDĐ lại chưa vận động được toàn lực nội bộ, không kết hợp được các đảng phái chính trị quốc gia và toàn dân cho công cuộc chung. Sự hy sinh của tiền nhân đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần quý giá: Vinh Dự và Uy Tín của VNQDĐ. Ngoại trừ những người cọng sản chủ trương độc tài đảng trị, mọi người Việt Nam thiết tha với tự do dân chủ đều có thái độ kính trọng khi nói đến VNQDĐ và tỏ lòng tin yêu khi gặp một đảng viên Việt Quốc. Hưởng được lợi thế ấy mà không làm tăng thêm vinh dự và uy tín cho Đảng, không đóng góp kịp thời để cứu nguy dân tộc, chúng ta đắc tội với tiền nhân.”
Cùng Chung Ý Chí
Kỷ niệm Ngày Tang Yên Báy, chúng ta tôn vinh ý chí diệt thù cứu nước cao cả của tiền nhân, tôn vinh khí thế oai hùng dũng liệt của cuộc Tổng Khởi Nghĩa, và tôn vinh sự hy sinh anh dũng của hàng ngàn đảng viên với khát vọng đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Anh hùng, liệt nữ Việt Nam Quốc Dân Đảng hy sinh máu xương để dân tộc chúng ta sống còn và lưu truyền cho chúng ta một lý tưởng chọn lựa: Tinh thần bảo vệ dân tộc với chủ quyền quốc gia tối thượng. Thừa hưởng ý chí của tiền nhân, người Việt Quốc hứa sống xứng đáng với hy sinh và chọn lựa ấy của tiền nhân và ý thức trách nhiệm đương đầu với thực tại cũng như viễn tượng tang thương của đất nước bởi sự cấu kết của độc tài toàn trị bán nước Cọng Sản Việt Nam và xâm lược Tàu.
Kính cẩn cầu xin anh linh tiên liệt giúp đỡ chúng ta. Kính chúc quý đồng chí và toàn gia quyến dồi dào sức khỏe. Trân trọng kính chào quý đồng chí.
San Jose, ngày 15-6-2014
Cơ Sở Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải Ngoại
Biên soạn: Huỳnh Khuê
Trình bày: Võ Văn Phẩm
Liên lạc: Võ văn Phẩm (408) 294-6049
Huỳnh Khuê (408) 761- 9214,
Khuehuynh2000@yahoo.com
_______________________________________________________
THAM KHẢO:
[1] Louis Roubeaud: Vietnam (Valois; 1931), pp. 161-162.
[2] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), p. 164.
[3] Jackson J Spielvogel: Western Civilization (USA: West Publishing Company, 1991), II, 864-865.
[4] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), pp. 27-40.
[5] Như trên, pp.107-127.
[6] Louis Roubeaud: Vietnam (Valois; 1931), p.157.
[7] Nguyễn Hải Hàm: Từ Yên Báy Đến Côn Lôn, 1930-1945 (VA: Walter Bross Printing Company, 1995), pp. 159-160.
[8] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), pp. 162-163.
[9] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), p. 114.
[10] Như trên, p.156.
[11] Như trên, pp. 166-167.
[12] Như trên, pp.167-169.
[13] Như trên, pp.169-170.
[14] Như trên, p.179.
[15] Huỳnh Khuê, trans., Viet Nam Quoc Dan Dang: A Contemporary History of A National Struggle 1927-1954 (Pennsylvania: RoseDog Books, 2008), pp. 95-98.
[16] Như trên, pp. 401-495.
[17] Như trên, pp. 135-137.
[18] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), pp. 319-324.
[19] Như trên, pp. 362-363.
[20] Huỳnh Khuê, trans., Viet Nam Quoc Dan Dang: A Contemporary History of A National Struggle 1927-1954 (Pennsylvania: RoseDog Books, 2008), p. 247.
[21] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), pp. 338-340.
[22] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), pp. 332-334.
[23] Như trên, p. 365.
[24] Như trên, pp. 365-366.
[25] Hoàng Văn Đào: Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại, 1924-1954 (in lại, USA: Việt Nam Quốc Dân Đảng, 1970), pp. 253-255.