Post by Hồn Nước on Jun 25, 2014 2:49:49 GMT -5
Ông Bút
Biloxi thành phố biển thơ mộng yên ả, khung cảnh gần giống như một phố cổ nào đó trên quê hương Việt Nam. Đường phố với những hàng cây tựa như Phượng Vĩ, la đà rợp bóng mát, tản bộ trên hè phố được nghe tiếng sóng vỗ thật gần, qúa thêm mươi bước sẽ tận mắt thấy màu xanh đầy quyến rũ của biển. Sở dĩ không thể quên được, vì nơi đó có đồng hương thương yêu của mình đang sống, vẫn phải nhớ mãi Biloxi vì cơn bão Katrina năm 2005 tàn phá xác xơ, với hình ảnh cây cầu U.S 90 nối liền Biloxi và Ocean Springs, nằm trên đường Mười, gãy vụn như chiếc bánh tráng, chúi đầu xuống lòng biển, bao công trình của thành phố, bao nhà cửa hư hại, đồng hương Biloxi lại thêm một lần nữa di tản trong hoảng loạn, khác nào cảnh pháo kích, cảnh tấn công của Việt Cộng, sau một đêm tràn vào làng mạc, thành phố của miền Nam, trong thời chiến tranh Quốc Cộng 1954 – 1975.
Chúng ta biết và mãi nhớ thương Biloxi từ dạo ấy.
Câu danh ngôn rằng: “Nơi nào có tự do, đó là tổ quốc” và thiển nghĩ: Nơi nào có mái nhà, có gia đình chúng ta đang sinh sống, chính nơi đó là quê hương. Như vậy: Texas, California, Georgia, Mississippi, Florida vv và vv… chính những địa phương này, là quê hương yêu dấu và rất đáng trân trọng của chúng ta, không phải vậy sao? Mới đây ông Hoàng Thu, người Sĩ Quan QLVNCH tự thiêu phản đối Trung Cộng xâm lược, đúng thời điểm này cô Hoàng Thục Oanh, con gái của ông Hoàng Thu mới đến Việt Nam được hai ngày, cô phát biểu:
“Tôi không tin, tôi nhờ bạn tôi cho nói chuyện trực tiếp với cảnh sát và họ xác nhận tin đó. Tôi mua vé để cả nhà trở về Mỹ ngay lập tức.” Con gái người quá cố nghẹn ngào.
Trong đớn đau tột đỉnh, cô phát biểu qúa chính xác: “Trở về Mỹ ngay lập tức”. Vâng, những làng mạc lạ lẫm, xa thẳm bờ tre, cây đa, giếng nước đầu làng của cố hương Việt Nam, lại là nơi để chúng ta “trở về!.”
Suốt thời chiến, hàng triệu đồng bào tỵ nạn Cộng Sản, đến những thành phố nương náu cạnh đồn lũy của chiến sĩ Quốc Gia, sau 30/4 họ trở về nơi sinh nhau cắt rốn, nhưng suốt 40 năm vết thương chừng như thêm mưng mũ, và thêm nhiều thương đau, vì hòa bình giả tạo, vì ngưng tiếng súng dưới một chế độ phi nhân: Cộng Sản, khác với hoàng cảnh Biloxi:
Sau cơn bão Katrina không mấy hồi, người Việt Biloxi, tạo sự ngạc nhiên thán phục cho nhiều sắc dân khác. Không đợi chính phủ, không chờ máy móc, họ xắn tay áo nạo bùn, dùng rựa chặt tàn cây gãy đổ, chấn chỉnh nhà cửa, sửa sang phố phường, chợ quán hồi sinh với một thời gian kỷ lục đáng nễ, cùng với nhiều hội đoàn tái sinh hoạt ngay tức khắc, trong tinh thần tương thân tương ái, trong đó HỘI CAO NIÊN BILOXI thành lập ra mắt, sau cơn bão, mới đây anh Thái Hiền cho biết. Ngày 1 tháng 6 năm 2014, ông Trần Sơn (1) vừa mãn nhiệm kỳ, tân ban chấp hành với ông Trần Văn Thạo, Hội Trưởng và quý vị: Ông Phó Bá Tùng, ô – Thái Hiền, ô – Trần Phước, ô – Ngô Xuân Hùng, điều hành nhiệm kỳ mới.
Lễ bàn giao Tân Ban Chấp Hành, đồng hương và hội viên tham dự đông đủ. Hội được chùa Vạn Đức, ưu ái cho mượn phòng khách của chùa làm nơi sinh hoạt, hằng ngày hội sinh hoạt từ 3 giờ chiều.
Chùa Vạn Đức
Qua thư gởi đến báo Hồn Nước, ông Thái Hiền chào mừng chùa Vạn Đức có Thượng Tọa mới về, là thầy Thiện Hiền, đồng thời cảm ơn cô Thanh, Hội Trưởng, Hội Phật Giáo Chùa Vạn Đức, đã giúp đỡ rất nhiều cho Hội Cao Niên Biloxi.
Vâng, rất mong kịp về Biloxi, để ôm vào lòng các cụ hom hem, mới ngày nào tay run run cùng tôi phân phối tờ “Thỉnh nguyện thư giải cứu Việt Khang,” nhà tù kiên cố quân bạo ngược còn đó giam giữ Việt Khang, Nhưng tiếng hát Việt Khang vượt lao tù vươn tới mọi miền, nơi có Người Việt sinh sống. Lời nhạc Việt Khang là tâm huyết, là ánh lửa đủ sức thuyết phục tuổi trẻ, mọi thành phần.
Đọc DLB, bài: Viếng các anh nhân ngày thành lập quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Để “gặp” cháu Jennifer Lynh, trình bày nhạc phẩm Anh là ai, cháu diễn đạt bằng tất cả niềm cảm thông của mình với sự kiện đất nước ngang trái, cháu Lynh không phải nhỏ nhất và hay nhất, kể từ khi Việt Khang bị tù, có nhiều cháu nhỏ đã thể hiện rất xuất sắc.
Trong niềm nhớ thương, xin kính gởi đồng hương Biloxi lời chúc tốt đẹp nhất, và hội CAO NIÊN BILOXI luôn mạnh khỏe khương cường. Hy vọng ngày không xa, sẽ tay bắt mặt mừng tại bờ biển Biloxi, cùng nâng ly, ru tình người trong tiếng đệm của sóng biển!
Atlanta – Biloxi, trên 400 miles, 6 giờ rưởi lái xe, tuy xa mà gần. Một chút tình riêng, gởi về biển…
Ông Bút