Post by Hồn Nước on Aug 31, 2015 4:10:38 GMT -5
(Mến tặng anh chị Phi, anh chị Lệ)
Ông Bút
Chẳng riêng ai, hầu hết mọi người, khi trưởng thành đều nhớ những kỷ niệm đã qua, dù khổ đau hay hạnh phúc. Ký ức con người tự động ghi sâu vào bộ nhớ, những cảnh diễn ra đều được chiếc camera của tâm tưởng tự động quay, và lưu lại. Bụi bặm không làm mờ phai, trầy sướt. Cho đến khi tuổi già xế bóng, những hình ảnh xưa càng hiện rõ, bởi vậy mới có câu:
Kỷ niệm là chiếc gối êm ả của tuổi già. Song sự tồn tại, mọi vật chất không có gì niên viễn, bền vững bởi sự tàn phá của dòng thời gian. Nó không tàn khốc như cơn lũ, nhưng âm ĩ bào mòn, đến lúc nhìn người thân, mà ngờ ngợ như quen lắm! Thì những mảng kỷ niệm dấu yêu kia, sẽ tan rữa, trước khi giả từ tất cả…
Một hôm đang rong chơi trên cánh đồng tuổi thơ, bà nội kêu về, đè đầu xuống chiếc thau đồng, cạo đầu bằng con dao xếp ăn trầu, mẹ phụ bà nội giữ chặt cần cổ, không cho cựa quậy, chỉ khi nào bà nội liếc giao xuống hòn đá mài xanh, mòn khuyết như mặt trăng lưỡi liềm, mới được ngóc thẳng đầu cho đỡ mỏi. Hôm trước cạo đầu, hôm sau lon ton theo mẹ tới trường. Còn nhớ như in, bình minh ngày đầu tới trường đẹp làm sao, những con chim sẻ kêu ríu rít, chuyền trên đọt hai hàng cau, trên con đường làng dẫn tới trường, tiếng trống trường vang lên trong hồn tuổi thơ, hòa quyện vào buổi sáng thời Đệ Nhất Cộng Hoà, khắp nơi bình yên, trù phú, không hề có trộm đạo, giặc giả.
Qua tiểu học, vào ngưỡng cửa trung học, lần đầu tiên nghe cô giáo dạy văn xuôi, với những bài trong Tự Lực Văn Đoàn, thật hay, tuy văn xuôi nhưng có âm điệu lên bổng xuống trầm, êm đềm như một bài thơ:
Làng Từ Lâm
“Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm, xa xa toàn là núi, núi ngọn nọ ngọn kia không dứt, núi màu lam, buổi sáng buổi chiều như mây bay, sương phủ…”nghe cô giáo đọc qua đoạn văn, nhiều trò đã thuộc, nhìn ra cửa sổ, ánh chiều tà hanh nắng, đàn bướm trắng đang vờn theo các tà áo dài của trường Nữ Trung Học Hội An, tan trường về phía bên kia con đường đất nhỏ. Lần đầu tiên khai tâm, chập chửng vào ngưỡng cửa văn học tao nhã, với phong cảnh như vậy.
Buổi chiều dạo phố, chiếc răng khểnh ngạo nghễ mĩm cười, mái tóc không chịu kẹp gọn, thả bay giữa trời, làm hồn tuổi thơ xao động, một điều thổn thức nghe rất lạ, tuổi học trò hết muốn bình yên, khi chợt nghe Đinh Hùng xúi:
“Làm học trò không sách vở cầm tay
có tâm sự đi nói cùng cây cỏ.”
Thuở đầu đời, nàng thơ lâng lâng xâm lấn như vậy.
Những gì lần đầu tiên, khó ai quên. Lửa chiến tranh dâng cao, chữ bình yên héo khô dần, cho đến chung cuộc, khổ nạn 30/4/1975, còn chán vạn những cái “lần đầu tiên” đáng nhớ.
Ngày đầu tiên trên quê hương mới, Washington D.C.
Gia đình chúng tôi được định cư, theo diện RF, tương đương như H.O, sau H.O 43 không còn gọi H.O nữa, bắt đầu có tên RF 1, RF 2, 3 vv…, chúng tôi đến Hoa Kỳ, ngày chót của tháng 8/1996, đất trời đang lững thững vào thu, trời mát nhưng cái nắng hè gay gắt vẫn còn dang díu vùng thủ đô.
Thoạt đầu được hội IRC, đưa về căn hộ 3005, đường Eclipse (viết theo trí nhớ đúng, sai?!). Tại đây có 3 nhà Việt Nam cũng vừa mới tới, trước nhà tôi chừng mươi ngày, nhưng thấy họ rành rẽ lắm! Gia đình Khôi lai đen rất hiền từ, vợ tên Phương, lanh lợi đáo để, vợ chồng Thảo, anh chị Học, thêm nhà tôi nữa, tất cả bốn gia đình, anh chị Học người Quảng Ngãi lớn tuổi nhất, ở được non 3 tháng, tôi cù tất cả xuống Atlanta lập nghiệp, anh chị Học không chịu, không biết rồi sau anh chị về đâu. Năm năm sau, một lần tìm lại, anh chị đã dời quán trọ. Tôi vẫn luôn nhớ ơn anh, anh làm ở chợ, lúc nào cũng thấy anh đi đôi giày ủng cao ống, cứ mỗi chiều anh từ tầng một kêu với lên, gọi vợ tôi: “Thím ơi xuống đây lấy tôm cá”. Một ngày như mọi ngày, điều chi như rứa, riết rồi nghe tiếng anh đâm sợ, bởi mang tôm bự, dài như cánh tay người lớn, về chỗ đâu chất, bốn nhà VN chúng tôi, hễ mở cửa là nghe mùi vôi nồng nặc, muốn nghẹt thở. Nghĩ mà thương anh chị Học, anh cho với tất cả tấm lòng, biết nói sao từ chối, miệng lưỡi nào dám nói? Anh chị thường dặn vợ tôi: “Thím đem về bồi bổ cho chú, chú ốm qúa” Tuy lớn tuổi, nhưng chắc “bận” ở tù, nên anh chị gặp nhau khá trễ tràng, khi ấy anh chị mới có con nhỏ, bằng con của chúng tôi, lên sáu, lên bảy, giờ chắc lớn bộn.
Kỷ niệm cười đứt ruột.
Ở Washington D.C, căn hộ bé lắm, chỉ bằng một phòng ngủ của appartement tại Atlanta, chia làm 3 phần, ngăn giữa ngủ, bên trái ngăn bếp rất hẹp, bên phải rest rom, một buổi trưa trời nóng qúa, tôi gọi xuống dưới:
Khôi ơi, trên anh nóng qúa, em lên mở máy lạnh cho anh. Khôi sốt sắng, dạ, dạ để em lên liền, hắn vào bếp mở cái gì, ai mà biết, còn tôi suốt ngày dạo ngoài đường, người ta bỏ xe đạp, TV, đồ hầm bà lằn, đều kê vai vác về chất đầy nhà,. Trời ơi, cái xứ gì mà đồ mới toanh thế này mà đem vất? Tới 4 giờ chiều mới về, thấy vợ tôi trong bếp, người ướt đẫm mồ hôi như tắm, trong khi đó ngoài trời mát, tôi sững sốt, loa xuống dưới:
Anh em ơi, nhà tôi sao nóng như nung, tường muốn toát ra đây nè!!
Ba nhà kia hè nhau chạy lên, ai cũng trầm trồ, nóng quá, nóng quá!! Người ta chia nhau lùng sục, tìm nguyên nhân, sực nhớ điều gì, tôi hỏi: Khôi, hồi trưa anh nhờ em mở máy lạnh, em mở cái gì, ở đâu? Khôi dắt mọi người vô bếp, chỉ và nói:
Em mở cái ni nề (Khôi người Quảng Nam) ông Học, người Quảng Ngãi la lên: Ối trời huơi, mi mở cái lò nướng đỏ chét, hèn chi không nóng sao được! Nhìn những thanh sắt trong lò nướng đỏ rực, như lò rèn nung sắt, ai cũng chới với.!
Chợ Quê Hương.
Ngày mới tới, chẳng biết do ai chỉ, chúng tôi đi chợ Quê Hương, gần nhà rất tiện, nhớ lại hồi đó mình quê thật, trong khu chung cư, hàng ngàn người ở, đâu phải chỉ 4 nhà VN, thế mà mỗi khi muốn nói chuyện, ra cửa sổ gọi tên: Phương ơi, Thảo ơi, anh Học ơi, sau cái ơi là nội dung tràng giang được tuôn trào, người ở tầng trệt, ới người lầu cao chót vót, từ địa ngục nói chuyện với thiên đường, là bình thường, “đứa” nào không biết tiếng Việt, vui lòng đóng cửa sổ lại!
Hê hê, 11 giờ trưa nay, xuống trước cửa, cùng nhau đi chợ Quê Hương đó nghe, cứ như thằng Mõ thời La Mã cổ đại, mà cổ đại thứ thiệt, chứ chơi à!?
Chợ Quê Hương bán đủ thứ, tôi chỉ mua thuốc 555, nhớ ngày đầu tiên ra hỏi giá, người ta nói 2 Đô, đứng nhẩm: trời ơi hai mươi bốn ngàn!! Một gói thuốc 24 ngàn, ngày công phụ hồ, làm chết xác, đói rát ruột, có 15 ngàn, ai mà hút, thôi bỏ là vừa, đi bộ trở về leo lên mấy chục bậc thang, suy nghĩ: hay là ra mua một gói, hút hết rồi bỏ, cũng không muộn, cứ thế “bỏ” hết gói này tới gói khác. Tới lui chợ Q H nhiều lần, cũng vì gói thuốc, chỉ nhớ chị chủ chợ, ưa ngó nghiêng nghiêng vào góc trong, hoặc ra đường, chị ít nói.
21 năm mới thấy cờ Quốc Gia.
Anh Phạm Văn Bảng, đại úy Thiết Giáp, đến thăm, sau đó anh cũng thường tới nhà chơi, anh là người đầu tiên, chở cả nhà tôi ra khu Eden, lần đầu tiên, sau 21 năm được đứng dưới lá cờ VNCH tung bay trước gió, thật xúc động đến nghẹn ngào, tôi để anh Bảng đưa gia đình vào hàng quán, mua những thứ gì đó, riêng tôi cứ tần ngần, đứng dưới cờ trầm tư…
Trở lại chốn cũ, gặp người xưa.
Từ khi tạm biệt Washington D.C, đến Atlanta sinh sống, gia đình tôi nhiều lần trở lại Washington D.C không phải để thăm “quê xưa,” mà theo đồng hương tranh đấu, hiếm khi nào vắng mặt. Cứ mỗi chuyến trở lại, tôi đều bồi hồi nhớ thương ngày xưa, nhớ con mình ngày nào chập chững đến đây, vợ mang bụng bầu, giờ chúng đã khôn lớn…
Mới đây chuyến trở về Washington D.C, vào ngày 07 tháng 7 năm 2015, chống tên giặc cầm đầu bán nước, Nguyễn Phú Trọng, tôi đỗ xe bên cánh trái Tòa Bạch Ốc, lái xe xa mấy cũng không ngại, chỉ ngán vào thành phố tìm parking, lớ ngớ “ăn” ticket, tôi rời tay lái cùng đồng hương tìm lối bắt tay với các Cộng Đồng bạn, anh Trần Văn Mãng, hăng hái nhận xe tìm parking. Chúng tôi gặp anh Tánh ban tổ chức, phối họp nhau lúc 9 giờ sáng, còn rất sớm, tuy nhiên chúng tôi vẫn trông hoài anh Mãng, lo cho anh tìm được parking, hay chạy lạc đâu rồi, hơn 10 giờ mới thấy anh lò mò tới, anh cười tươi rói, cười híp mắt, anh nói: Zui lắm, chiều nay đấu tranh xong, mình về nhà bạn tui ăn phở! Tiệm phở 14, gần xịt à! Tức ghê đi, mình cứ lo anh Mãng chạy lạc, lo bị phạt, hóa ra ổng “tìm bạn mà chơi”. Sau đó chúng tôi mãi miết đã đảo, hoan hô. 2:30 chiều tan hàng, đoàn Atlanta rời công viên Lafayette, theo bóng tiên phong Trần Văn Mãng, lần này anh tài xế lạ hoắc, lạ đế, anh Mãng giới thiệu: Bạn tui, tên Phi khóa 6 CSQG, chủ tiệm phở 14, anh ta mời quý vị về tiệm nhà dùng phở, anh Phi quay lại chào chúng tôi, xe tà tà qua quẹo vài, ba góc đường, tới phở 14. Anh chị Phi đưa chúng tôi vào phòng riêng, tiếng cười, tiếng nói xôn xao rôm rã, sau khi ổn định vị trí, phân ngôi chủ khách, tình cờ tôi ngồi đối diện với anh Phi, và một anh nữa, cũng ốm nhách như tui, thế mới biết “cao nhơn, tất hữu..” ở Atlanta mình đã nỗi tiếng ốm, lần này lên đây gặp anh Phi, và một ông anh trung úy biệt phái, làm An Ninh Cảnh Lực, chồng của chị Lệ, đồng nghiệp của anh Mãng, trong lúc nói chuyện, anh Mãng thường gọi chị Lệ, chị Lệ, nên tôi nhớ, nhìn qua anh này, tôi đoán bà vợ chỉ huy anh chồng, qủa không sai, chị Lệ đại úy, anh chồng mới trung úy! Anh An Ninh Cảnh Lực, có trí nhớ rất tốt, anh nhớ tên từng vị chỉ huy miền Tây, từng người bạn, cùng những thói quen của họ, nhớ luôn tên bồ bịch của bạn! Thật siêu, bỗng nhiên anh hỏi: Có ai biết thiếu tá Lương Trọng Lạc, trưởng F, phó ty CSQG Vĩnh Long không? Tôi đáp, LTL anh rễ bà con của tôi, anh mừng lắm, hỏi địa chỉ, phone # của anh Lạc, anh Phi hỏi tôi: Trước khi tới Atlanta, anh ở đâu? Tôi đáp: Nhà tôi ở ngay Washington D.C đây chứ đâu, anh Phi tiếp: Anh biết chợ Quê Hương không? Biết chứ anh, chợ đầu đời trên quê mới, khi xa đây rồi, thỉnh thoảng tụi tôi vẫn nhắc về chợ Quê Hương, ở mình có nhà văn từng ví ngôi chợ như ngọn hải đăng của làng, sang đây chợ còn là nơi chúng tôi hẹn gặp, anh Phi cười và nói: Vợ chồng tôi là chủ chợ Quê Hương, tôi ngờ ngợ, không lẽ mình nhớ sai, tôi chưa thấy anh ở chợ bao giờ, nhìn chị, tôi nhớ liền, vì “khách nhớ nhà hàng, nhà hàng không nhó khách” tục ngữ nói như vậy, chị thường ngồi quầy tính tiền, lối đi vào, quầy ở bên trái, chị hay ngó nghiêng nghiêng, ít nói, anh Phi cười rất vui, xác nhận tôi tả đúng, anh dắt tôi ra xem vị trí ngôi chợ ngày xưa, tôi tần ngần hình như không phải, khi vào chị Phi nói: Anh Hiệp nói đúng, nó (chợ) bây giờ là tiệm Nail, anh Phi cũng cười và OK, tôi hỏi lại: Vậy “nhà tui” ở lối nào, anh Phi!? Anh nói đường Eclipse ngay sau lưng đây này. Mặc dù mọi người hàn huyên rất sôi nổi, trong đầu tôi vẫn còn một ngăn riêng, để hồi tưởng tháng ngày đầu đời, cùng gia đình đến ở đây, từng chi tiết nhỏ cứ hiện lên, tôi hỏi: 19 năm qua anh chị thấy có điều gì thay đổi ở đây? Câu hỏi gần như mơ hồ, chung chung, do đó tôi đáp: Ngày xưa cỡ chừng 10 phút xe Police hú còi chạy sáng đường, chạy suốt ngày, thế nhưng chúng tôi vào đây hơn một tiếng đồng hồ, tịnh nhiên không nghe, có thể tình hình an ninh, trật tự được chấn chỉnh tốt hơn rất nhiều, gia đình anh Phi xác nhận đúng như vậy. Không riêng tôi, mọi người gặp anh chị Phi, đều đem lòng quyến luyến, đi xa ai cũng mong về sớm, nhưng lần này coi bộ không ai muốn bứng rễ, khỏi chiếc ghế tiệm phở 14, cả đoàn đều trân quý anh chị Phi, coi như người chí thân, tri kỷ lâu lắm mới gặp nhau! Chẳng qua cách sống của anh chị Phi, và anh chị Lệ, đầy ắp tình người, tình quê, tình đồng nghiệp, tình chiến hữu, ai cũng tranh nhau mời họ đến Atlanta, để có cơ hội, có dịp thù tiếp cho thỏa lòng quý mến, chúng tôi bắt tay nói lời tạm biệt, mà chân không muốn bước…
Trên sáu chục tuổi đời, biết bao nhiêu chặng đường đã qua, biết bao nhiêu quán trọ, biết bao nhiêu hình ảnh thân yêu, biết bao lần hợp tan, siết tay nhau tạm biệt, siết tay nhau đoàn tụ. Anh chị Phi, anh chị Lệ, quán phở 14, nơi đoàn lữ hành đến rồi đi, lòng trĩu nặng nhớ nhung. Trước khi lên xe, tôi thưa với anh chị em rằng:
Chúng tôi tại Atlanta từng sống với anh Mãng 19 năm, càng gần anh ta, càng quý mến. Do đó chúng tôi không ngạc nhiên những tấm chân tình tốt đẹp, hào sảng của anh chị Phi, anh chị Lệ…Chúng tôi ao ước sớm có ngày gặp nhau tại Atlanta, như LỜI HỨA của hai anh, hai chị.
Xin kính chào thủ đô Hoa Thịnh Đốn, cũng những tháng ngày này, của 19 năm trước. Trời dần sang thu yêm dịu, những công viên rực rỡ bông trang đỏ thắm như mâm xôi gấc đầy ắp, cùng những chú sóc tí hon lanh lợi, thân thiện quyện dưới chân người ./.
Atlanta ngày 05 tháng 8 năm 2015
Ông Bút – Nguyễn Mậu Hiệp