Post by Hồn Nước on Apr 5, 2013 6:48:54 GMT -5
Thau sinh tố và cái tự do của bác, đảng
Ông Bút – Năm 1982 tôi vào Long Thành, gặp người quen cho ăn, ở trong nhà miễn phí. Để đền đáp ơn nghĩa, tôi làm hết việc nhà, từ bửa củi, lau chùi cầu tiêu, giặt quần áo, quét nhà v.v… nhà này thuộc loại trí thức, có thế lực đối với xã hội, và rất giàu có, nhưng sống xuề xòa, không ngăn nắp, mạnh ai người nấy xả rác.
Sau vài tháng, chủ nhà tin tưởng giao nhà cho tôi, cả gia đình đi Nha Trang “hóng mát” một tuần lễ, ở không riết đâm chán, tôi chợt nghĩ người ta không ngăn nắp, nhưng chắc họ thích ngăn nắp, hoặc ít ra không phật ý, khi có sự sắp xếp hợp lý. Nghĩ như vậy, tôi vươn vai đứng dậy, sắp xếp lại tất cả đồ đạc theo ý mình, kể cả bàn thờ cũng chuyển qua phía khác. Cạnh phòng ngủ của ông bà chủ có hầm núp pháo kích, xây kiên cố, mặt trên tráng xi măng láng lức, tôi xách búa tạ đập nát vụn, kéo xà bần ra sau vườn đổ, lấy cái đầm, đầm nhuyễn, tạo thành mặt phẳng, những vật ít sử dụng, cho vào 5 thùng carton, xếp ngay ngắn trong góc, tôi làm suốt ngày, thâu qua đêm, lúc mệt đứng ngắm lại công trình, nghe sướng sướng và hồi hộp đợi ngày người ta về phán xét!
Vừa mở cửa, từ bà cụ thân sinh ông chủ nhà, rồi ông bà chủ, đến hai cháu nhỏ, một cháu 12 tuổi, cháu 6 tuổi đều là gái, ngạc nhiên tột độ, dợm đi một bước, một lời khen, từ đằng trước chí đằng sau, từ tầng trệt lên tầng lầu, đi chán, khen chán họ xúm lại ôm tôi thân thiết, cử chỉ thay lời cảm ơn sâu sắc. Tối đó bà chủ đặc cách cho tôi thăng quan tiến chức: Phụ trách máy nước đá và làm sinh tố, hưởng hai suất tiền, so ra gấp 3 lần lương giáo viên, chưa kể ăn ở miễn phí, vì nước đá làm sáng sớm, sinh tố làm ban đêm, ban ngày tôi vẫn phụ giúp việc nhà, như đã kể. Nhưng mừng nhất, ông chủ hứa sẽ làm lại hết giấy tờ tùy thân cho tôi và nhập hộ khẩu.
Làm nước đá: Trong máy chứa 52 cây đá, mỗi cây nặng 14 ký, khi nước đông đá, đem hết ra úp khuôn xuống nền nhà, dùng vòi nước xịt lên, đá tách khỏi khuôn, đem khuôn sắp lại vào máy, châm nước lạnh đầy cỡ 8/10 mỗi khuôn, rồi đậy nắp lại, chừng 10 – 12 tiếng đồng hồ, nước sẽ tiếp tục đông đá, giao đá cây cho mối xe lam, nhận tiền, ghi sổ đem về giao bà chủ. (bà nhỏ hơn tôi 2 tuổi, ông chủ lớn hơn tôi 7 tuổi)
Làm sinh tố: Lấy một cái thau nhựa lớn, đổ vào một sô nước lạnh, lường 2 vá canh đường hóa học, một ký đường cát vàng, nửa xị phẩm màu, quậy cho thật đều, nếu thau đầu tiên phẩm đỏ, thau kế tiếp xanh, vàng, tím… sau khi quậy đều, lấy đòn ghế thấp, ngồi dạng hai chân, thau sinh tố ở giữa, dùng phễu nhỏ luồng vào túi nylon nhựa trắng, múc sinh tố đổ qua phễu vào 2/3 bịch nylon, dùng sợi thun cột lại, sắp vào cái thau không kế đó, khi nào đầy thau đem lên nhà trên, sắp qua tủ kem, bên ngăn đá, để ngày mai bán cho trẻ con.
Một buổi tối, tôi đang ngồi làm sinh tố, bà chủ đi ngang qua, sà xuống ngồi đối diện, nhìn chằm chằm, hỏi: Bộ hôm nay ra đường, gặp con nhỏ nào ngon lắm sao, tối nay Bút cười chúm chím hoài vậy?
Cười cái này này, vừa trả lời tôi vừa chỉ cái thau.
Bà chủ: Thôi đi, đừng có ba sạo, cái thau sinh tố, có gì mà cười.
Cái gì, bà nói cái này mà sinh tố á? Tôi hỏi.
Bà chủ: Ừ thì thau sinh tố, chứ còn gì nữa, cái đồ khùng!
Tôi: Không phải, cô bán sinh tố cho người ta, cô lấy tiền mua thịt cô ăn, mua cá cô ăn, đó mới chính là sinh tố, còn đứa nào ăn cái này (chỉ thau sinh tố) nó chết cha nó, chứ ở đó mà sinh với tố!! Bà chủ nghe tôi nói, ngữa mặt lên trời cười ha hả, cười giòn tan.
Tôi biết nó không phải sinh tố, bà chủ cũng thừa biết, chỉ có trẻ con, đứa nào cũng thèm ngọt, nên bị lầm lẫn.
Nước mình trải qua 80 năm lệ thuộc Pháp, vừa mang nhục mất nước, vừa mất tự do, ông Hồ và đảng CSVN biết người dân khao khát độc lập, tự do, (ĐL & TD) đã ra chiêu bài ấy, lừa phỉnh dân tộc. Trước và cùng thời ông Hồ, những nhà cách mạng cũng lấy độc lập tự do làm mục tiêu tranh đấu, riêng ông Hồ và đảng CSVN dùng ĐL – TD chỉ là một chiêu bài, tuyên truyền dối gạc quốc dân và thế giới, chính ông ta và đảng biết rõ nhất tính chất thật của ĐL TD do ông xướng lên.
Kể từ ngày thành lập đảng 3 tháng 2 năm 1930, qua từng chặng thời gian: 1945, 1954, 1975, cái độc lập tự do của ông Hồ ló ra từng phần, nhỏ hay lớn tùy thuộc sự nhận thức của mỗi người. Đến đây không bàn đến hai chữ độc lập, chỉ nói về tự do. Trước khi thôi nói về độc lập, xin nhắn về gia đình anh Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần, anh Ba Sài Gòn, nếu làm đơn chống án, nên gởi qua Bắc Kinh, mới hy vọng có kết quả, gởi Hà Nội cũng như bỏ vào thùng rác, tất nhiên viết bằng tiếng Tàu.
Tự do:
Nhìn lại chỉ duy ông Hồ và đảng của ông có toàn quyền tự do, người dân chẳng những không có tự do, còn mất tự do nhiều hơn so với thời Pháp thuộc, kể như lỗ vốn, vốn bằng máu xương và tính mạng, đơn cử riêng về mặt tự do báo chí.
Trích:
“Thời kỳ hoàn toàn không có chế độ kiểm duyệt báo chí là 1939 – 1945. Tuy nhiên, ngay sau đó, do Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp lại áp dụng chế độ kiểm duyệt nặng nề, sẵn sàng đục bỏ ngay trên các bát chữ.
“Chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp rất khắc nghiệt. Quãng 20 giờ, người tùy phái của các báo hằng ngày đã phải mang những bài đập thử trên giấy của số báo hôm sau tới phòng kiểm duyệt Phủ Thống sứ (ở phố Đinh Lễ bây giờ) ngồi chờ mấy ông công chức đọc, thấy chỗ nào động chạm hoặc ảnh hưởng tới “mẫu quốc” thì lấy bút chì xanh gạch chéo và ghi “kiểm duyệt bỏ”. Cũng tùy mấy ông có quyền: có khi bỏ cả bài, có khi bỏ vài đoạn hoặc một đoạn, có khi ba, bốn câu thơ. Thế cũng đủ phá vỡ cả một bài, nhất là thơ, làm xấu cả trang báo đã mất công trình bày. Quãng 22 giờ, người tùy phái đem những bài đập thử về, phóng viên trực đêm bảo bác cai nhà chữ, bóc những đoạn bài đó đi và đặt vào đấy dòng chữ “kiểm duyệt bỏ” to tướng. Về sau, thấy số báo nào cũng có những mảng bỏ trắng, gây xôn xao dư luận, tên chủ sự Cu-xô, người Pháp lai, trước là chánh mật thám, nói sõi tiếng Việt, bắt các báo phải dồn bài lại, thay bằng bài khác dự trữ trước cho kín trang. Các báo lúc đầu còn nghe hắn, sau “chơi lại”, cứ để nguyên những mảng trắng cho biết tay. Và số đông những người làm báo thời xưa vẫn đặt hết tâm hồn mình vào những bài bênh vực giới cần lao, hoặc lên tiếng chỉ trích nhà chức trách về quốc kế dân sinh, dưới nhiều thể loại sinh động”.
Báo chí trong đệ nhị thế chiến
Vào thời Đệ nhị Thế chiến, Đông Dương bị Nhật chiếm đóng, báo chí bị theo dõi và kiểm duyệt có phần chặt chẽ hơn thời Pháp. Một số nhà báo bị hiến binh Nhật bắt giam. Tuy nhiên tin tức vẫn được phát tán như trường hợp báo Tin Mới do bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng làm chủ nhiệm đã đăng công khai bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi quốc dân đồng bào. Số báo ra ngày 18 tháng 8 đăng Lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh với hàng tít lớn ở trang nhất và số lượng phát hành tăng gấp đôi (40.000 tờ) để phân phát về các tỉnh.
Sang năm 1946 khi Pháp tái chiếm Đông Dương, Phòng Kiểm duyệt báo chí đặt ở trụ sở ở Hội Khai Trí Tiến Đức (gần khách sạn Phú Gia). Luật báo chí được thi hành thiên vị với chính quyền như vụ kiện đầu năm 1950. Trong vụ đó tuần báo trào phúng Gió Lốc ở 191 phố Huế, do nhà báo Trương Uyên viết bài xúc phạm đến hoàng thân Bửu Lộc. Bộ Thông tin Bắc Việt kiện vụ này ra tòa và Trương Uyên phải tù án treo 3 tháng cùng bồi thường danh dự “1 đồng bạc phạt.” Ba ngày sau, tuần báo Gió Lốc phải đóng cửa. – ngưng trích
Như vậy, trong thời kỳ dù Pháp hay Nhật đô hộ, dù bị kiểm duyệt gắt gao tới cỡ nào, cá nhân người dân Việt, cũng đã được đứng ra làm chủ một tờ báo, trải qua gần 70 năm (1945 – 2012) nhân loại đã tiến triển quá xa trên phương diện truyền thông báo chí, người dân chúng ta vẫn đi thụt lùi, chỉ có đảng CSVN mới được quyền làm báo, người dân cứ mơ làm sao được tự do như thời Pháp!
Chỉ cần nêu ra một vấn đề này thôi, tôi nhận xét lời mắng của trung tá Vũ Văn Hiển, phó công an phường 6 quận 3 Sài Gòn rất đích đáng, chỉ tiếc cấp bậc của ông quá nhỏ, giá như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, hoặc Thủ Tướng, hay từ thời khởi thủy khởi xướng chiêu bài, ông Hồ Chí Minh cũng đã lẩm nhẩm… mới đủ tầm cỡ xác định: “Tự do cái con c..” Cấp bậc tuy nhỏ, nhưng lời mắng đúng vẫn giá trị tuyệt đối, vì trong dụ ngôn, chuyện ông vua ở truồng, cả quần thần đều khen vua mặc đồ đẹp, duy nhất một đứa bé nói: “vua ở truồng” chính đứa bé ấy đã mặc khải cho vua và cả triều đình, ông trung tá công an Vũ Văn Hiển, chính là đứa bé ấy.
1982, tôi bán sinh tố cho các em ăn, tôi biết nó là độc tố ngay khi làm ra, ông bà chủ của tôi biết sớm hơn nữa, nhưng các em phải 10 năm sau, hoặc cùng lắm 15 năm, mới biết. Than ôi ngót cả thế kỷ, người dân mình mới được ông Hiển “phổ cập tư duy”, để hiểu về cái chất thật của tự do của bác và đảng.
Người tri kỷ dù xa vạn dặm, dù bất đồng chính kiến cũng hiểu nhau. Chân thành gởi đến ông lời tri ơn sâu sắc nhất.
Ông Bút