Post by Hồn Nước on Dec 5, 2013 6:27:34 GMT -5
Ông Bút -
Trước 1975 chính thể VNCH, ngành lập pháp có lưỡng viện quốc hội, gồm Thượng và Hạ Nghị Viện. Biết rằng công việc của họ không phải lo cho từng người, tuy nhiên cá nhân nào gặp trường hợp khốn cùng, cũng có thể gõ cửa, nhờ vả được, gia đình tôi là một ví dụ:
Năm 1974, tôi đưa gia đình từ Hội An vào Vĩnh Long sinh sống, trong nhà có hai đứa em, đứa em trai học lớp 10, em gái lớp 8. Từ nhỏ đi học ở Hội An, thấy các bạn ở tỉnh khác chuyển từ trường công lập, qua trường công lập, không gặp trở ngại, chỉ cần nộp đơn xin chuyển trường, đơn xin nhập học, và học bạ, trường nhận ngay, vì vậy trong lúc chuyển đổi chỗ ở, không hề nghĩ tới những trở ngại, về việc nhập học của hai em.
Sau khi ổn định nơi ở mới, tôi chở đứa em gái tới trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp, em trai tới trường Thủ Khoa Huân, cả hai trường đều không nhận, lý do: Hết chỗ! Tôi bàng hoàng, lo lắng hết sức. Từ một đứa con biết lo cho gia đình, nay trở thành đứa con có tội, không lo sợ sao được, lâm cảnh tiến thối lưỡng nan, quay về Hội An nhà không còn nữa, lương một quân nhân, làm sao đài thọ cho hai em học trường tư!?
Bí thế mẹ tôi qua Vĩnh Bình, nhờ ông bác giúp đỡ, bác tôi nhờ lại Trung Tá Nguyễn Ngọc Nhuận, trung tâm trưởng, trung tâm Điều Hợp Phát Triển tỉnh Vĩnh Long, Trung Tá Nhuận hứa giúp cho một đứa, mẹ tôi nhờ xin cho thằng em trai được học trước, còn lại đứa em gái, chưa biết tính sao.
Một hôm từ Cần Thơ về ghé qua nhà, tôi ngạc nhiên trên chiếc divan chất đầy balô, tôi hỏi: Mẹ, balô của ai vậy? Mẹ tôi không trả lời, bà đố ngược lại, của ai con đoán xem? Suy nghĩ một lúc, tôi đáp, con chịu, không sao biết, mẹ tôi nói của Bộ và bạn nó, mới ra trường, đến thăm nhà mình, tụi nó đi chơi hết rồi, chắc cũng sắp về, tôi mừng quýnh, thằng bạn chơi từ hồi nhỏ, nay về đơn vị gần mình, vui quá. Chiều hôm đó, tôi và Bộ đi chơi, thấy cái mặt đưa đám của tôi, nó hỏi bị bồ đá hay sao buồn dữ vậy? Tôi đem việc trở ngại nhập học của đứa em kể lại, Bộ suy nghĩ hồi lâu, nó hỏi: Sao mầy không lên gõ cửa Dân Biểu Phan Thiệp? Tôi nói: Tau nghĩ họ lo việc lớn, việc chung của cả nước, chứ việc nhà mình, ai mà giúp! Bộ khuyến khích: Biết đâu được, mai tau trình diện đơn vị mới, được mấy ngày phép, mầy trở lại căn cứ, xin nghỉ vài ngày, rồi cùng nhau lên gặp ông Phan Thiệp (Dân Biểu đơn vị Quảng Nam.)
Nói cho ngon, đi gặp ông Dân Biểu Phan Thiệp, nhưng chưa đứa nào biết ông ta ở đâu, trong Sài Gòn! Phải gọi về trụ sở 52 Lê Lợi Hội An, hỏi đường, ở đây chỉ dẫn tận tường, chúng tôi gặp ông ở 315/4 A Trương Minh Giảng, Sài Gòn.
Sau khi thống thiết trình bày hoàng cảnh, ông tỏ ra ái ngại, thông cảm, nhưng cũng khiển trách nhẹ, là làm việc tắc trách, dám dời nhà đường đột, không tìm hiểu kỹ lưỡng, ở mỗi nơi có điều kiện và nguyên tắc riêng, đâu có lệnh nào, nguyên tắc nào hễ trường công, là đương nhiên được nhập học!? Phàn nàn một hơi, ông chống cằm suy nghĩ lung lắm, rồi tiếp:
- Thôi, hai chú mầy về đơn vị, lo cho tròn bổn phận, không được “ba gai”, không được “đi chuồn,” chuyện học của đứa em, để đó ta lo cho, ta cố gắng tối đa…
- Thưa chú, nhà trường không nhận đơn, nếu như chú can thiệp được, nhà trường cũng không biết chúng con ở đâu, để gọi nhập học, vậy phiền chú báo tin được không?
Tôi hỏi như vậy, ông nói; À phải đó, chú mi viết cái địa chỉ đưa đây! 24 Khưu Văn Ba, tỉnh Vĩnh Long.
Hơn mười ngày sau, tôi run tay khui thư Dân Biểu Phan Thiệp, cả nhà mừng như trúng số, em tôi được vào Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp!
Cuộn phim đời quay nhanh, đến không tưởng. Đêm đen bao trùm non sông, gia đình chúng tôi chưa kịp có một món qùa nhỏ nào, để tạ ơn ân nhân. Về sau nghe tin Trung Tá Nhuận bỏ mình trong trại giam Vĩnh Phú mù khơi. Hôm nay tôi viết lời này với tất cả lòng thành, như nén nhang hướng về nơi xa xôi, nguyện cầu hương linh Trung Tá, cùng các vị khác bỏ mình trong các nhà giam Cộng Sản, sớm về chốn vĩnh hằng, vô ưu.
Dân biểu Phan Thiệp:
Ngày mới định cư, tỵ nạn CS tại Hoa Kỳ, tình cờ tôi đọc bài thơ của ông, không nhớ đầu đề, không nhớ đến một câu thơ, nhưng tâm nguyện của ông, tôi khắc ghi, tâm nguyện đó là:
Ông xiển dương tuổi trẻ, đấu tranh với độc tài Cộng Sản, thời của ông qua rồi, tuổi đời đã luống, ông chỉ có nguyện vọng khiêm tốn, cầm roi ngựa để phục dịch, cho tuổi trẻ xông pha… ông Phan Thiệp, khi ra tranh cử tại Quảng Nam, trong lý lịch ông đề: Sinh năm 1923, nay đã 90 tuổi. Ngày ấy đọc thơ ông, tôi cũng cố công trau dồi, gìn giữ ý chí, hầu mong được ông trao lại ngọn roi ngựa, để phò tá tuổi trẻ Việt Nam, trên đường tranh đấu giải thể chế độ độc tài đảng trị, âu đó cũng là cách đền ơn ông Dân Biểu và Trung Tá Nguyễn Ngọc Nhuận.
Một người nhà quê, dù sống ở xã hội văn minh, song tôi cũng chưa quen gì mấy, với những ngày lễ: Cha, Mẹ, Tình Nhân, Tạ Ơn… tuy nhiên công ơn sinh thành, thầy cô vẫn để trên đầu, ơn người đời vẫn canh cánh bên lòng, qua bài này tôi cũng xin tạ ơn thầy cô, và Ban Giám Hiệu, quý trường: Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp, Trung Học Thủ Khoa Huân, tỉnh Vĩnh Long. Giá như bị sinh lầm, bị lùi trong thời đại ngày nay, thời đại của “văn hóa phong bì,” thì nghĩa nhân, có đáng giá gì! Từ khi hiểu biết, ra sống với cuộc đời, mỗi ngày đi qua là một ngày tạ ơn.
Lớn lên trong cảnh thanh bần, cha đi dạy, nuôi tới tám nhân khẩu, nhờ người mẹ biết cần kiệm tảo tần, biết làm phép chia, ba chục ngàn tiền lương mỗi tháng, mới đắp đổi qua ngày, mùa Hè 1972, đôn quân, tổng động viên, ra đời trên tay áo chỉ có hai vê vàng, một vê trắng, Hạ Sĩ Nhất! (Viết hoa nhé) Nay đúng sáu chục tuổi đầu, nhìn lại hai mươi năm sống với Quốc Gia VNCH, dù còn nhiều bất cập. Nhưng thấy thật mãn nguyện, hơn một chút, có thể nói rất hãnh diện, vì được sống tự do thoải mái, gặp cảnh khốn bách có nơi mình gõ cửa, có nơi chịu khó lắng nghe mình.
Hôm nay lễ Tạ Ơn của người Mỹ đã đi qua đúng một tuần, nhưng tôi, một công dân nước VNCH vẫn nhìn thấy ơn nghĩa trải dài ở phía trước./.
Ông Bút